bg-header
bg-header

  • block home
  • Trang chủ » LỊCH SỬ LỄ HỘI LÀNG ĐẠI BÁI
  • block sep
Ngày đăng: 31/05/2014, 09:28 sáng, cập nhật ngày 21/04/2015 09:16
Luợt xem: 2 716 lần , Đánh giá: 1 Star2 Stars3 Stars4 Stars5 Stars Loading...

LỊCH SỬ LỄ HỘI LÀNG ĐẠI BÁI

HỘI ĐẠI BÁI

Thờ :

– Lạc Long Quân

– Nguyễn Công Hiệp, Nguyễn Công Truyền

Địa điểm: Xã Đại Bái, Huyện Gia Bình, Tỉnh Bắc Ninh

Thời gian: 10/4 và 29/9 âm lịch

Chính hội: 29/9

Đặc điểm:

– Múa rồng, diễn thần Bạch Kê

– Cỗ soạn dâng cụ trùm (chủ trì phường nghề)

– Tục chôn đầu gà

Phương ngôn:

Mồng bảy hội Khám, mồng tám hội Dâu

Mồng mười hội Bưởi không đâu vui bằng

– Đình chùa xã Đại Bái hiện nay là những công trình mới xây dựng lại để thuận tiện cho việc thờ cúng. Nguyên nhân là do nhiều năm chiến tranh, các di tích cũ đã trải qua nhiều biến cố.

– Đại Bái có hai ngôi đình. Đình trong là đình Văn Lãng, thờ thành hoàng làng là Lạc Long Quân và thờ ông Nguyễn Công Hiệp. Bản gia phả chi pháp của họ Nguyễn Công làng Đại Bái là khá đầy đủ. Nhiều người tin rằng khi sinh ông có điềm báo sao sa rơi xuống giữa nhà. Hai người cất vó ban đêm vội vàng sớm mai tìm đến để báo cho gia đình chuyện lạ này. Những năm sau ông Hiệp làm quan, hai người này xin vào làm thủ túc cho ông.

– Nguyễn Công Hiệp là con ông bà Nguyễn Công Thận và Nguyễn Thị Ngọc Luân , gia đình có sáu anh em kể cả ông là bốn trai, hai gái. Nguyễn  Công Thận làm quan đời Lê Thần Tông, Chân Tông, đến chức Thái Bảo. Nguyễn Công Hiệp sinh năm Hoằng Định thứ 17 (1616), lớn lên vào hầu phủ chúa, được phong tước Kiểu Lộc Bá, tài kiêm văn võ. Trong một cuộc dẹp loạn ở kinh thành đến mức máu chảy trôi chày, ông lập công to được phong Đô Đốc Thiêm sự tước gia Quận Công.  Đời Lê Thần Tông ông được theo chứa Trịnh vào đánh phương Nam, cầm cự với quân chúa Nguyễn nhiều lần. Lần cuối cùng thì bị chúa Nguyễn Hiền bắt, đưa về giam ở Phú Xuân. Nhiều lần chúa mua chuộc muốn ông phục vụ, nhưng ông đều không nhận lời. Giai thoại kể thêm là ông đã bí mật mưu tính với một nhà sư để liên lạc với quân Trịnh phía Bắc. Nhưng việc bại lộ, ông bị bỏ thuốc độc mù mặt, sống trong cảnh tật nguyền ở xã Thái Cam cho đế khi mất. Được tin này triều đình Lê – Trịnh truy phong. Nhân dân các làng Đại Bái, Đoan Bái đều thờ ông làm Á Thần, lập miếu ở phía nam đình Văn Lãng, ngày giỗ là ngày 10/2 âm lịch. Ông cũng có một số công lao với làng nghề gò đồng.

– Đình ngoài là đình Diên Lộc thờ tổ sư dạy nghề gò đồng Nguyễn Công Truyền. Theo thần phả, sắc phong ghi chép được ở làng (sao lục chép tay) thì ông Nguyễn Công Truyền sinh năm 989 tại làng Đại Bái, mất ngày 29/9 năm 1069, là con ông bà Nguyễn Công Tiến. Xuất thân trong một gia đình nho học, năm 995, lúc lên 6 tuổi, ông theo cha mẹ vào Thanh Hóa để sinh sống, năm 25 tuổi làm quan Đô úy triều đình Lý, được phong làm Điện Tiền Tướng Quân. Đến tháng 3 năm 1018 ông về Đại Bái thăm họ hàng quê hương. Do cha bị bệnh mất ở Thanh Hóa, ông xin từ quan đưa mẹ về quê cũ phụng dưỡng và từ đó ông bắt đầu sáng chế ra nghề gò đồng. Dân làng noi theo đó mà lập nghiệp, dần dần thành nghề chính. Khi mất ông được phong là: Dực bảo Trung hưng Linh phù chi thần, rồi lại gia phong: Quang úy Địch bảo Trung hưng Trung đẳng thần, cuối cùng được gia tăng Đoan túc Tôn thần

– Sách “Bắc Ninh toàn tỉnh địa dư chí”, quyển hạ, chép khác khi nhắc đến đền thờ Đại Bái tiên sư. “…Đền thờ Nguyễn Công Truyền, người làng Đại Bái làm quan chức hiệu úy, khoảng năm Hồng Đức (1470-1497) đi theo đoàn sứ bộ sang Trung Quốc, khi về được phong Phấn lực tướng quân, nhưng ông từ chối, trở về quê tạo nghề cho dân. Sau khi mất được truy tôn tiên sư, lập miếu thờ cúng…” Như vậy cụ Truyền sống ở thế kỉ XV chứ không phải XI.

– Đền còn thờ phụng các vị hậu tiên sư. Sự tích các vị này đều có trong sắc phong các triều đại từ Lê, Tây Sơn đến Nguyễn. Ngôi đền nhỏ vẫn còn mang biển hoành phi “Diên Lộc Đình” là do nhân dân mới dựng năm 1954 để thờ tổ nghề. Tuy nhiên còn sót lại ba tấm bia ghi về việc dựng đền, dựng cầu đá và tình hình nghĩa điền (nhớ công đức người góp ruộng cho làng).

Câu đối ghi tạm dịch:

Đất Bắc ngóng tài, lò rực than nung theo đức lớn.

Trời Nam vê khéo, thép tôi vàng luyện hóa nên công.

Hoặc câu khác:

Chế tạo đồ dùng, cần cho thiên hạ

Truyền lưu thể thức, đẹp mãi đời sau

– Chùa Đại Bái xây dựng vào năm nào không rõ. Chỉ biết được trùng tu vào những năm Phúc Thái thứ 3, thứ 4 ( đời Lê Chân Tông, năm 1645 và 1646) do công sức hai cha con ông Nguyễn Công Thận và Nguyễn Công Hiệp. Theo kí ức của các vị cao tuổi, chùa này có kiến trúc như chùa Dâu ở Thuận Thành mang tên Diên Phúc. Chùa dựng theo kiểu “nội công ngoại quốc”, có nhà thập điện, lầu chuông hai tầng, nhà Tả vu, Hữu vu mỗi bên mười gian. Tượng Phật chùa Diên Phúc nghe nói là cùng dáng như tượng ở chùa Bút Tháp huyện Thuận Thành. Quang cảnh chùa sầm uất, không khí thanh u. Đã đi vào phương ngôn  “Diên Phúc tự, Gia Bình đệ nhất”.

– Vào dịp đầu xuân và đầu hạ, xã Đại Bái tưng bừng trong lễ hội. Hội Đoan mở vào mồng 7 tháng Giêng. Hội Ngọc Xuyên mở vào mồng 6 tháng hai, hội Bưởi Nồi mở vào mồng 10 tháng tư. Trong những ngày nhộn nhịp ấy, hội làng nào cũng có những trò vui: đấu vật, thả chim, leo cầu, chơi đu…Buổi tối có biểu diễn chèo ở sân đình, ban ngày tế thành hoàng.

– Sách “Bắc Ninh phong thổ tạp kí” chép tóm tắt về hội múa rồng ở làng Ngọc Xuyên như sau: “ Xã này thờ Lạc Long Quân, đình chùa tiếp giáp nhau, hàng năm vào đám bắt đầu từ mồng 6 tháng hai. Lệ vào đám, to thì kéo dài đến nửa tháng, nhỏ thì vài ngày. Hôm mở hội, đinh tráng trong xã, từ 14,15 cho đến 18 tuổi cùng nhau đến chùa, cởi áo quần chỉ đống khố bao chia đứng làm hai hàng, mỗi hàng có một người cầm một cái trống khẩu đi trước, hai hàng đinh tráng theo sau đi từ chùa đến đình. Hai hàng người đi lượn vòng như hình rồng cuốn nên tục gọi là “múa rồng”.

– Riêng làng Bưởi Nồi có nhiều trò diễn hơn, với hai trò chưa thấy diễn ở các xã khác: Trò chạy gà trống trắng và trò ném cây bông. Sách “Bắc Ninh phong thổ tạp kí” ghi chép trò diễn thần Bạch Kê như sau:

“ hàng năm đến ngày mồng 10 tháng tư vào đám. Trước đó một tháng , mua con gà trống màu trắng nhốt lồng, đợi đến ngày vào đám thì mang cái lồng gà ấy đến đình làm lễ. Lễ xong thả con gà ấy ra ngoài nhang án. Từ đó về sau, con gà trắng ngày ra đồng kiếm ăn, tối về đình ngủ dưới nhang án, nhân đó người ta gọi là thần Bạch Kê. Hiện nay thì lệ ấy có thay đổi. Vào đám khoảng 5-6 ngày, khi hành lễ và khi giã đám người ta mua hai chiếc thuyền giấy thả xuống sông. Con gà trống trắng lúc tế xong thì mang về giết thịt ăn. Nguyên xã này thờ vua Lạc Long Quân. Khi vào đám phải dùng gà trắng để làm lễ, dân làng mới được yên ổn. Sở dĩ báo lễ như thế là theo phong tục của tổ tiên truyền lại.”

– Chung quanh con gà trống trắng này dân làng thường kể những mẩu chuyện ly kì để tăng thêm phần huyền diệu cho trò chạy gà. Người ta thường trầm trồ về sự thông minh đặc biệt của nó, có lẽ được thành hoàng làng ban phép nhiệm mầu. Được nuôi trong hậu cung đình, con gà rất biết phép giữ đúng vị trí chỗ đứng của mình, ban ngày ra ngoài kiếm ăn, đến tối quay về, biết nhúng vào chậu nước rửa chân rồi túc trực trên tấm gỗ bắc ngang đã định vị cho mình. Từ khi đưa vào đình, gà được quay đầu chầu vào. Cho đến đêm 16 lại quay đầu ra để chờ định đoạt số phận. Làm thịt gà vào ngày 17, thân gà chia cho mọi người, còn đầu gà thì phải chôn đi.

– Trò ném cây bông tiến hành vào ngày 17 là ngày giã đám. Cây bông là một cây tre hai đầu vót thành chùm phôi xum xuê. Cây bông được đặt ngay dưới một cây đèn cao chừng 1m50 để trên hương án. Quan viên chức sắc tề tựu xung quanh để xem các cô đào nương múa hát. Bài hát là bài ca trù cầu chúc thần linh và trình bày nguyện vọng “phong đăng hòa cốc”. Trai tráng của cả 4 xóm tập trung tại sân đình. Sau khi hát lễ xong, ba hồi chiêng trống nổi lên, hai ông cai đám cầm cây bông ném ra ngoài. Mọi người tranh nhau cướp. Thanh niên xóm nào cướp được cây bông thì mang chạy về xóm ngõ của mình. Những người khác cố đuổi theo để tranh cướp lại. Xóm cướp được cây bông xem là bằng chứng về điềm lành cho dân xóm quanh năm, nên họ tổ chức mừng, chèo hát suốt cả đêm ấy. Người ta còn đồn rằng cây bông tuy to nặng, được thẳng cánh ném bất chợt vào đám đông nhưng chưa từng gây thương tích. Có lẽ thanh niên các xóm đã có ý thức chuẩn  bị sẵn sàng, nhanh mắt nhanh chân né chăng?

– Dân làng trân trọng ngày giỗ tổ và bảo vệ ngôi đình thờ tiền tiên sư. Có một lệ rất đặc biệt là lễ thắp hương của những người đồng niên. Tất cả dân làng và những người làng đã đi ngụ cư nơi khác mà có điều kiện về lại quê hương, vẫn còn đông họ hàng, còn người quan hệ với vùng Bưởi đều theo một quy ước chung: Cứ đến tuổi 49 là ra đình, người nào cũng có nhiệm vụ thắp hương hàng ngày ở đền thờ tổ. Lần lượt năm nay, số người đồng niên đến lễ, sang năm lại là lớp người kế tiếp vào tuổi ấy ra thắp hương từ sáng sớm . Nếu người đồng niên nào đó ở xa quê hương không về được thì có thể gởi hương về nhờ bạn cùng lứa tuổi mình thắp hộ.

– Trong một năm có ba ngày lễ để tưởng nhớ đến vị tiền tiên sư. Hai ngày thuộc loại xuân thu nhị tế, tức ngày 6-2 (lễ tiết đầu năm) và ngày 16/8 (lễ nhị tiết). Ngày giỗ tổ là ngày mất của ông Nguyễn Công Truyền vào hôm 29/9 âm lịch. đó là những ngày vui của dân làng nghề.  Người các nơi xa về dự lễ, thường là mang theo những vật phẩm gò đồng chạm bạc mà mình sáng chế được về đặt trên hương án tổ.

– Việc tế tổ được phân công cho những người đứng đầu các họ lớn, là những họ chủ trì ở các xóm, các phường nghề. Những vị đứng đầu ấy gọi là các cụ trùm (hoặc hương trùm), gọi chung là nóc các cụ trùm. Chỉ các nóc hương trùm mới được giao vai chủ tể. Các lý dịch chức sắc hay quan viên trong làng không được nhận trách nhiệm này vì không phải là đại diện cho nghề(họ sẽ phụ trách việc đương cai tế đám ở đình làng trong dịp cúng tế thành hoàng Lạc Long Quân).

– Lễ vật dâng lên trong ngày lễ tổ gọi là cỗ soạn, mỗi xóm biện hai mâm, ngoài ra có thêm xôi gà, quà bánh. Sau khi cúng tế cỗ soạn là để dành kính các cụ trùm. Các lí dịch chức sắc tư văn không dự những cỗ ấy mà dự những mâm xôi gà do các xóm mang ra.

– Về dự hội Đại Bái ta được nghe hát trống quân. Nhóm con trai đố các cô gái về chiếc nồi đồng:

Cô kia má đỏ hồng hồng

Cô đi lấy chồng cô bỏ quê cha

Đến khi tuổi tác cô già

Quê chồng cô bỏ quê cha cô về

Hoặc những câu ca đậm đà về tình nghĩa trai gái, một lời mời mọc:

Muốn ăn cơm trắng cá trôi

Thì về Đại Bái đánh nồi với anh

Muốn ăn cơm trắng cá ngần

Thì về Đại Bái cầm cân buôn nồi

 

Muốn ăn cơm trắng chả chim

Đi về Đại Bái em tìm tình nhân

Thuyền về ngược hay thuyền về xuôi

Có về bến Bưởi cho tôi về cùng.

 

Mỹ nghệ Đồng Đại Bái

Kính chúc quý khách an khang thịnh vượng !

Tin tức khác