HIỆN TRẠNG VÀ CÁC GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN LÀNG NGHỀ VIỆT NAM
Festival nghề truyền thống Huế 2013
Hiện trạng làng nghề hiện nay
Hiện nay các làng nghề phân bổ rộng khắp cả nước nhưng không đồng đều. Theo số liệu thống kê của Hiệp hội làng nghề Việt Nam năm 2009. Số lượng làng nghề miền Bắc phát triển hơn, chiếm gần 70% số lượng các làng nghề trong cả nước (2.200 làng nghề), trong đó tập trung nhiều nhất và mạnh nhất là ở vùng đồng bằng sông Hồng, miền Trung có khoảng 200 làng nghề, còn lại ở miền Nam hơn 400 làng nghề. Nguyên, vật liệu cho các làng nghề chủ yếu được khai thác ở các địa phương trong nước và hầu hết các nguồn nguyên liệu vẫn lấy trực tiếp từ tự nhiên. Phần lớn công nghệ và kỹ thuật áp dụng cho sản xuất trong các làng nghề nông thôn còn lạc hậu, tính cổ truyền vẫn chưa được chọn lọc và đầu tư khoa học kỹ thuật để nâng cao, chất lượng sản phẩm còn thấp, do đó chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường và giảm sức cạnh tranh. Do hạn chế về công nghệ và kỹ thuật sản xuất nên các các làng nghề vẫn sử dụng chủ yếu là lao động thủ công ở hầu hết các công đoạn, kể cả các công đoạn nặng nhọc và độc hại nhất. Nhiều sản phẩm đặc thù đòi hỏi trình độ kỹ thuật và tính mỹ thuật cao, tay nghề khéo léo… chủ yếu là các làng nghề truyền thống, sản xuất các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Riêng về thị trường tiêu thụ sản phẩm thì trước đây về cơ bản thị trường này nhỏ hẹp tiêu thụ tại chỗ do đó giá thành cũng thấp. Nhưng hiện nay, thị trường xuất khẩu các mặt hàng truyền thống của Việt Nam đã mở rộng sang khoảng hơn 100 quốc gia trên thế giới, trong đó có các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hồng Công, Xingapo, thậm chí cả các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, EU…Do đó giá trị sản lượng các làng nghề cùng phát triển nhanh đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
Tuy nhiên làng nghề hiện nay đang tồn tại một số bất cập và phải có các chính sách phù hợp để phát triển, nhất là trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế.
Giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường
Mặt trái của sự phát triển là hầu hết các làng nghề Việt Nam hiện nay đã và đang bị ô nhiễm ở cả ba dạng: ô nhiễm nước, ô nhiễm rác thải và khí thải. Một trong những nguyên nhân của tình trạng trên là do cách thức tổ chức quản lý sản xuất của các làng nghề hiện nay chưa thật sự hiệu quả. Đa số làng nghề sản xuất với hình thức nhỏ lẻ, thiếu sự hỗ trợ về vốn, công nghệ, cũng như thông tin thị trường… Nhằm giải quyết tình trạng này thì việc quy hoạch không gian sản xuất gắn với bảo vệ môi trường là một trong những giải pháp thu được hiệu quả đáng kể. Tuy nhiên, hiện nay việc quy hoạch các làng nghề còn hạn chế về số lượng do thiếu sự đồng bộ, công tác quản lý còn chồng chếo, phân định chưa rõ ràng giữa trách nhiệm của Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Trước những khó khăn đó, đòi hỏi cần có những chính sách phát triển các làng nghề phù hợp sao cho tận dụng được những lợi thế của các địa phương trong quá trình phát triển, vượt qua những thử thách của hội nhập và đảm bảo cho sự phát triển lâu dài, hiệu quả.
Hiện nay, một mô hình quy hoạch khác đang được triển khai là: Chính quyền địa phương và các hộ sản xuất trong làng nghề cùng xem xét phương án quy hoạch đưa khu vực sản xuất làng nghề ra khỏi nơi sinh hoạt của gia đình. Địa phương sẽ quy hoạch khu đất riêng thuộc điạ bàn của xã. các hộ gia đình sẽ được cho thuế đất để chuyển hướng sản xuất ra ngoài. Hạ tầng cơ sở sẽ do địa phương và hộ nghề cùng góp vón xây dựng. Mô hình này đã được thực hiện thành công ở nhiều địa phương. Tuy nhiên, hiện một số địa phương vẫn gặp khó khăn về quỹ đất để bố trí mặt bằng cho việc di dời này.
Ngành TTCN ngày một phát triển. Bên cạnh những nét truyền thống thì còn được đan xen bởi những yếu tố mới, điều này đem lại cho ngành TTCN và làng nghề một diện mạo mới. Các làng nghề TTCN ngày nay cần phải vận động theo xu hướng: Đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào quá trình sản xuất kinh doanh; Bên cạnh các làng nghề truyền thống, mở rộng và phát triển các làng công nghiệp tạo ra bước phát triển mới cho ngành TTCN; Hình thành nhiều làng nghề mới, Phát triển làng nghề truyền thống theo cả chiều rộng và chiều sâu; Phát triển hình thức du lịch làng nghề.
Tạo nguồn nguyên liệu
Không phải nơi có nguồn nguyên liệu là nơi có nguồn nhân lực chế biến sâu các sản phẩm thủ công mỹ nghệ. Thực tế một số dự án khuyến công với thời lượng dạy nghề ngắn hạn, không có cơ sở sản xuất tại chỗ nên người học không làm được nghề. Mặt khác, với cách khai thác nguồn nguyên liệu tự nhiên không theo hướng bền vững (đối với nhóm gỗ, mây tre lá …) nên nguồn nguyên liệu đang ngày càng suy giảm về lượng và không đủ tiêu chuẩn về chất lượng thậm chí có loại đã bị khai thác theo hướng tàn diệt.
Do đó các địa phương có nguồn nguyên liệu cung cấp phải chú ý đến khía cạnh phát triển bền vững về lĩnh vực này, bên cạnh đó các dự án khuyến công, các cơ sở sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh cần có những hợp đồng dài hạn có kiểm soát ràng buộc để phát triển nguồn nguyên liệu cây trồng, vật nuôi khoáng sản phục vụ sản xuất, tạo được tín nhiệm giữa bên bán, bên mua, bảo đảm lợi ích các bên. Hiện nay và sắp tới, nghành TTCN ở nước ta sẽ nhập nhiều nguyên liệu, mẫu sản phẩm gia công xuất khẩu, để tận tối đa nguồn nhân lực các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý khai thác các hợp đồng gia công quốc tế giúp các hợp tác xã có thêm việc làm. Một nền kinh tế được gọi là hội nhập thuận khi sản xuất, làm dịch vụ xuất khẩu hướng theo giá trị gia tăng hơn là cố gắng nội địa hoá đầu vào, tiêu thụ trong nước thay thế nhập khẩu.
Phát triển thương hiệu và tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm
Các HTX và doanh nghiệp nhỏ còn mặc cảm, tự ti, lo ngại thủ tục nên chưa đăng ký thương hiệu. Ở TP Hồ Chí Minh có đến 90% HTX chưa đăng ký thương hiệu. Tuy nhiên có nhiều hình thức đăng ký thương hiệu, ví dụ như HTX ở làng nghề dùng thương hiệu của làng nghề hoặc HTX đăng ký thương hiệu giúp cả làng nghề như HTX Lụa Vạn Phúc đã đăng ký. Mỗi làng một sản phẩm là mô hình thành công ở nhiều quốc gia châu á. Chứng nhận xuất xứ hàng hoá theo tiêu chuẩn quốc tế cũng là cách quảng bá thương hiệu ví dụ nước mắm Phú Quốc.
Việc đăng ký thương hiệu cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, các hợp tác xã và doanh nghiệp liên kết cùng đăng ký thương hiệu theo nhóm sản phẩm, tự kiểm soát chất lượng. Để khuếch trương thương hiệu cần xây dựng các kênh thông tin như các cattaloge, sách in, băng đĩa đặc biệt cần xây dựng một cơ sở dữ liệu riêng về các sản phẩm CNNT tiêu biểu của các địa phương trên toàn quốc. Bên cạnh đó, các trang web của bộ, ngành, địa phương cần mở chuyên mục giới thiệu sản phẩm thương hiệu, nhu cầu đầu tư thương mại theo” Chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu” quy dịnh tại Quyết định 136/2007/QĐ-TTg. Các HTX, các cơ sở sản xuất chủ động cung cấp thông tin và chịu trách nhiệm về thông tin giới thiệu trên các website.
Việc xúc tiến thương mại cần áp dụng nhiều kênh, không nhất thiết các HTX phải có gian hàng riêng nhưng HTX cần được hỗ trợ chi phí gửi sản phẩm, gửi các tài liệu như bản in, băng đĩa hình… giới thiệu ở các hội chợ quốc tế. Xây dựng thương hiệu là một quá trình bền bỉ, liên tục cùng với việc duy trì chất lượng sản phẩm, bổ sung mẫu mã sản phẩm, thông qua nhiều kênh thông tin. Mặt khác, các doanh nghiệp xuất khẩu, các tổ chức xúc tiến thương mại cần nắm bắt và phổ biến nhu cầu thị trường nước ngoài (theo từng khu vực địa lý, thậm chí theo mùa…), chuyển các đơn hàng của thị trường quốc tế đến những HTX, doanh nghiệp làng nghề. Mỗi địa phương, thành phố lớn, làng nghề cần có một gian hàng trưng bày sản phẩm, ghi rõ xuất xứ định kỳ tổ chức, giới thiệu sản phẩm, nghệ nhân.
Truyền nghề và phát triển nguồn nhân lực
Đây là nội dung quan trọng nhất của chính sách khuyến công đã và đang thực hiện. Kinh nghiệm chỉ ra để có một lao động nghề gốm phải có đầu vào trên 20 học viên cùng với trợ cấp tối thiểu 20.000 đồng/ngày. Nhiều chủ nhiệm hợp tác xã, chủ doanh nghiệp cho biết, khó khăn nhất là đào tạo lao động có nghề, yêu nghề, sống với nghề. Trong các làng nghề truyền thống vai trò của các nghệ nhân là hết sức quan trọng, được coi là nòng cốt của quá trình sản xuất và sáng tạo ra nghệ thuật. Thực tế những thợ cả nghệ nhân đã truyền nghề cho những lao động trong gia đình, họ hàng, người yêu nghề đạt kết quả tốt (bằng chứng là nhiều thợ không qua các lớp mà được truyền nghề, đến 97% thành nghề là do cha truyền con nối). Trong thời gian vừa qua, một số dự án khuyến công thiếu thầy dạy, thời gian thực hành ngắn, dạy nghề không phù hợp với thực tế địa phương về nguyên liệu, tiêu thụ sản phẩm, học nghề xong không có việc làm, dẫn đến khai giảng, bế giảng khá đủ nhưng người học thành nghề rất ít.
Cần song hành đào tạo tập trung và truyền nghề tại nơi sản xuất. Các trung tâm khuyến công cấp tỉnh phối hợp với địa phương, đoàn thể, hợp tác xã, doanh nghiệp nghiên cứu nhu cầu học nghề, xây dựng chương trình chuẩn về giáo trình, giáo cụ thực hành, kết hợp dạy nghề và khởi nghiệp, hình thành nhóm học viên từ 10 người trở lên cùng nhau thành lập hợp tác xã, tổ hợp tác có sự giúp đỡ của chính quyền về thủ tục thành lập cùng các ưu đãi, các doanh nghiệp giúp HTX về điều kiện sản xuất như góp vốn, cho vay bao tiêu sản phẩm, bán thành phẩm. Thực tế nhiều doanh nghiệp chế biến chè ở Yên Bái, Thái Nguyên rất thành công khi hình thành tổ hợp tác thanh niên thu mua, sơ chế chè nguyên liệu.
Hiện nay đã có chính sách hỗ trợ hình thức truyền nghề, các dự án khuyến công, đào tạo nghề ngắn hạn ở nông thôn cần có đội ngũ thợ, nghệ nhân được bồi dưỡng kiến thức sư phạm miễm phí, biên soạn tài liệu, dạy nghề, truyền nghề được hỗ trợ theo chế độ của giảng viên, được thu học phí.
Cục Công nghiệp địa phương cần tiếp tục hướng dẫn các trung tâm khuyến công tổng hợp và công khai danh sách, địa chỉ các nghệ nhân, thợ lành nghề, giảng viên theo nhóm ngành nghề tiểu thủ công nghiệp để ban tổ chức lớp học, học viên, hợp tác xã, doanh nghiệp, khách hàng chủ động tiếp cận. Đó cũng là cách tôn vinh nghề, quảng bá hình ảnh nghề mang nhiều hiệu quả.
Mỹ nghệ Đồng Đại Bái
Kính chúc quý khách an khang thịnh vượng !